Những năm cuối đời của Victoria Công_chúa_Louise,_Công_tước_phu_nhân_xứ_Argyll

Xung đột gia đình

Công chúa Louise và Beatrice đi xe ngựa cùng mẹ

Louise cùng chồng trở về Anh từ Québec vào ngày 27 tháng 10 năm 1883 và cập bến ở Liverpool.[16] Nữ vương Victoria đã chuẩn bị sẵn phòng trong Cung điện Kensington cho cặp vợ chồng ở. Louise sử dụng những phòng này đến khi qua đời tại đây 56 năm sau. Lorne tiếp tục sự nghiệp chính trị và vận động tranh cử ghế nghị sĩ của Hampstead không thành công. Năm 1896, ông thắng ghế South Manchester và tham gia quốc hội với tư cách là thành viên Đảng Tự do. Không như Lorne và cha ông, Louise lại ủng hộ phong trào Ireland tự quản và thất vọng khi ông bỏ chủ nghĩa tự do Gladstone để theo Đảng Liên hiệp Tự do.[16] Mối quan hệ giữa Louise và Lorne trở nên căng thẳng. Nữ vương cố gắng giúp cặp vợ chồng giữ hòa khí, song hai người vẫn thường xuyên đường ai nấy đi.[16] Kể cả khi đi cùng Louise, thỉnh thoảng Lorne vẫn không được nhiệt tình chào đón tại triều đình, còn thân vương xứ Wales thì không thích ông.[47] Trong vương thất thì Lorne là người duy nhất gắn bó chặt chẽ với một đảng chính trị vì từng là đảng viên Đảng Tự do Gladstone trong Hạ viện.[29]

Mối quan hệ giữa Louise và chị gái Helena cùng em gái Beatrice, hai nàng công chúa thân cận với nữ vương nhất, vô cùng căng thẳng. Beatrice kết hôn với chàng vương tử cao ráo và đẹp trai là Henry xứ Battenberg vào năm 1885. Hai người có tình cảm sâu đậm và có với nhau bốn người con. Sẵn bản tính ghen tuông, Louise dần có thói quen đối xử với Beatrice bằng thái độ thương hại do nữ vương thường xuyên cần nhờ đến bà.[12] Nhà viết tiểu sử về Beatrice, Matthew Dennison, cho rằng ngược lại với Beatrice, Louise vẫn có nhan sắc diễm lệ dù tuổi đã ngoại tứ tuần.[12] Louise và phò mã thì ngày càng xa cách, thậm chí còn có tin đồn Lorne là người đồng tính luyến ái.[48] Do đó, trong khi Beatrice và chồng chia sẻ một cuộc sống tình dục thỏa mãn thì Louise lại hoàn toàn trái ngược.[16] Có khả năng Louise đã xem Henry là người chồng phù hợp với bà hơn Lorne.[12] Sau khi Henry qua đời vào năm 1896, Louise viết, "[Henry] gần như là người bạn thân nhất mà tôi có – chính tôi cũng nhớ cậu ấy nhiều hơn tôi có thể nói thành lời."[12] Ngoài ra, Louise còn tuyên bố mình là bạn tâm giao của người em rể quá cố, còn Beatrice chỉ đơn thuần là một kẻ vô giá trị và chẳng có ý nghĩa gì với ông.[49]

Những tin đồn xoay quanh Louise

Cũng có tin đồn lan truyền việc Louise ngoại tình với Arthur Bigge, sau này là Nam tước Stamfordham, phụ tá thư ký riêng của nữ vương. Khi Beatrice đề cập tin đồn này với bác sĩ của nữ vương, bà gọi đó là một "vụ bê bối".[12] Phò mã Henry cũng cho biết đã trông thấy Bigge uống mừng sức khỏe của Louise trong bữa tối.[12] Louise phủ nhận tin đồn. Bà cho rằng chính Beatrice và Helena đã khởi xướng tin đồn này để làm suy yếu địa vị của bà tại triều đình.[12] Tuy nhiên, sau khi Henry qua đời, mối quan hệ giữa ba chị em lại ngày càng được cải thiện. Chính Louise là người đầu tiên đến Cimiez để thăm người em gái mới mất chồng, chứ không phải nữ vương.[12] Dù vậy Louise vẫn không hoàn toàn bỏ được tính ghen tuông. James Reid, bác sĩ của nữ vương, chép trong thư gửi vợ vài năm sau đó: "Louise như thường lệ vẫn ghét bỏ chị em mình. Hy vọng cô không ở lại lâu, nếu không cô sẽ làm việc ác mất!"[50]

Tin đồn ngoại tình không chỉ xoay quanh một mình Bigge. Năm 1890, điêu khắc gia Joseph Edgar Boehm qua đời trước sự chứng kiến của Louise khi họ đang ở xưởng điêu khắc của ông tại Luân Đôn, làm dấy lên tin đồn cả hai đang ngoại tình với nhau.[13] Phụ tá của Boehm, Alfred Gilbert, là người đã giúp an ủi Louise sau khi Boehm qua đời và giám sát việc tiêu hủy giấy tờ riêng của Boehm.[51] Ông này nhanh chóng được thăng chức thành thợ điêu khắc hoàng gia.[51] Louise cũng có quan hệ tình cảm với nghệ sĩ Edwin Lutyens, viên võ quan thị tùng (equerry) của bà là Đại tá William Probert và một thầy giáo âm nhạc không rõ tên.[16] Tuy nhiên, người viết tiểu sử về bà là Jehanne Wake lập luận rằng không có bằng chứng xác thực nào cho thấy Louise ăn nằm với bất cứ ai ngoài chồng bà.[16]

Trong những năm cuối đời của Victoria, Louise đảm nhiệm một loạt các việc công ích như cho mở các công trình công cộng, đặt đá móng và thực thi các chương trình đặc biệt. Giống như chị cả Victoria, Louise có tư tưởng phóng khoáng và ủng hộ phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, hoàn toàn trái ngược với quan điểm của nữ vương.[47] Louise đã kín đáo đến thăm Elizabeth Garrett là người phụ nữ Anh đầu tiên đủ điều kiện trở thành thầy thuốc và bác sĩ phẫu thuật.[16] Nữ vương Victoria thì phản đối việc phụ nữ theo đuổi nghề nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực y khoa. Bà gọi việc đào tạo các nữ bác sĩ là một "vấn đề ghê tởm".[5]

Louise, thành viên hoàng tộc khác thường

Công chúa Louise, Công tước phu nhân xứ Argyll, hình chụp khoảng năm 1900 của William James Topley

Louise quyết tâm muốn được xem là người thường, không phải một thành viên trong triều đình. Khi đi nước ngoài, bà thường dùng danh xưng "Mrs Campbell".[47] Bà cũng nổi tiếng là có lòng bác ái với người hầu. Có lần quản gia gặp công chúa và xin bà sa thải người hầu thứ hai của bà vì ngủ dậy muộn. Khi bà gợi ý đưa đồng hồ báo thức cho anh ta, vị quản gia nói anh ta đã có một cái rồi. Bà bèn nảy ra ý tưởng làm một chiếc giường có thể hất văng anh ta xuống khi đến thời điểm nhất định, nhưng việc này là bất khả thi. Cuối cùng, bà nói có thể anh này bị bệnh. Khi kiểm tra thì quả nhiên anh ta đang bị lao. Anh người hầu liền được gửi đến New Zealand để bình phục.[47]

Một lần khác, khi đến Bermuda, bà được mời đến một buổi tiệc chiêu đãi và chọn đi bộ chứ không đi xe. Dọc đường bà thấy khát và ghé vào nhà một người phụ nữ da đen là bà McCarthy để xin nước. Do khan hiếm nước nên McCarthy phải đi một quãng khá xa để lấy nước, nhưng bà miễn cưỡng không muốn đi vì còn bận ủi đồ. Louise xung phong ủi thay bà, nhưng người phụ nữ nọ từ chối và nói mình đang vội làm để còn đi xem Công chúa Louise. Biết McCarthy không nhận ra mình, Louise hỏi liệu bà ta có nhận ra mình nếu gặp lần nữa không. Khi người phụ nữ trả lời có nhưng thừa nhận là không chắc chắn lắm, Louise bèn bảo, "Vậy bây giờ chị hãy nhìn kỹ tôi đi, để ngày mai chị chắc chắn sẽ biết tôi ở St. Georges."[16] Công chúa tiếp tục giữ bí mật và thích thú vì không bị nhận ra.[16]

Louise và các chị em gái tiếp tục bất đồng sau khi bạn thân của nữ vương, bà Jane Spencer, Nam tước phu nhân Churchill, qua đời. Quyết không để nữ vương thêm đau khổ, Louise muốn từ từ báo tin này cho mẹ. Khi việc này không thành công, Louise đã gay gắt lên tiếng chỉ trích Helena và Beatrice.[31] Một tháng sau, vào ngày 22 tháng 1 năm 1901, Nữ vương Victoria băng hà tại Nhà Osborne trên Đảo Wight.[5] Trong di chúc, nữ vương để lại Nhà Kent trên Điền trang Osborne cho Louise làm nhà ở nông thôn[12] và để lại Thôn xá Osborne cho công chúa út Beatrice. Louise và Beatrice trở thành hàng xóm ở cả Cung điện Kensington lẫn Osborne.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Công_chúa_Louise,_Công_tước_phu_nhân_xứ_Argyll http://alberta.ca/history.cfm http://www.britannia.com/history/biographies/louis... http://www.fairmont.com/hamilton-bermuda/hotel-his... http://www.inveraray-castle.com/inveraray-castle-f... http://www.oxforddnb.com/view/olddnb/34601 http://www.paulfrasercollectibles.com/News/ROYAL-M... http://www.royalhistorian.com/spontaneous-moments-... http://www.timetravel-britain.com/articles/london/... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p073446130 http://paperspast.natlib.govt.nz/cgi-bin/paperspas...